Câu chuyện hài hước xoay quanh câu chuyện đặt tên
Tan cuộc rượu, Thanh dọn dẹp hơi nặng tay, để chén bát khua rổn rảng, miệng lầm bầm: “Trà với chả triếc, hèn chi…”. Sau đó vợ chồng to tiếng.
Chung quanh chuyện đặt tên con là cả nghìn lẻ một “biến tấu” khôi hài, dù đó là cái tên nghịch ngợm, bình dân hay cái tên nghiêm túc, thanh nhã.
Cái tên nhiều lỗi
Vợ chồng Hoàng – Hiền sinh con trai đầu lòng. Anh họ Nguyễn, chị họ Lê. Hai người nói với nhau lời ấm nồng vào một ngày rất lạnh – ngày đông chí – hai năm trước. Đó là những “cơ sở” để họ đặt tên cho con là Nguyễn Lê Đông Chí. Họ đắc ý vì con có cái tên vừa gắn kết hai họ mẹ cha, vừa gợi nhắc những kỷ niệm yêu thương đằm thắm.
Ngày đầy tháng bé Chí, bà ngoại không ngớt khen tên cháu nhiều ý nghĩa. Bà nói hai đứa bay tâm đầu ý hợp lắm mới đặt tên con hay vậy. Cặp vợ chồng trẻ chưa kịp phổng mũi thì đã bị ông nội bé Chí kê ra một mớ lỗi. Ông nói tao còn sống sờ sờ đây, bay đặt tên con sao không cho tao hay? “Đông” là tên một ông lớn trong dòng họ từ ba đời trước, bay dám lấy làm tên lót cho con? Chữ “đông chí” mới nghe qua đã thấy mưa sa gió táp. Số phận cháu tao sầu thảm vậy a?
Hoàng dạ dạ, nói cha thông cảm, để mai mốt tụi con tính. Ông đẩy ly rượu ra xa, ngồi buồn xo. May sao cậu ruột bé Chí, cán bộ văn hóa tỉnh, khéo léo giải thích, ông mới dịu lại. Cậu giả lả: “Thì thôi, đặt tên vậy cũng được. Còn số phận cháu tươi hay héo thì vợ chồng bay cứ lấy phước mà đong…”.
Tên xấu dễ nuôi?
Vợ chồng Lai làm nghề nấu rượu. Anh chị mất đứa con gái đầu tên Ái Loan khi cháu mới 7 tháng tuổi. Mẹ anh nói tên xấu mới dễ nuôi nên đẻ đứa sau là trai, anh đặt tên Hèm. Anh nghĩ hèm là chất thải khi nấu xong nồi rượu, có quý giá gì đâu mà “bề trên” quở phạt. Vậy mà thằng nhỏ vẫn đau lên đau xuống. Có người nói heo ăn hèm, thằng nhỏ đau luôn là phải. Anh Lai giật mình, đặt tên lại: cu Tũn. Chị vợ ca cẩm, nói ông đặt tên chi mà xấu đau xấu đớn, tội nghiệp con. Anh Lai trợn mắt nói hổng sợ tên xấu, chỉ sợ người xấu thôi. Cứ kêu vậy, ai cười kệ họ.
Và cái tên ấy “bê tông” đến nỗi nhiều năm sau, Tũn (tên khai sinh là Tùng) tốt nghiệp đại học, người làng vẫn cứ “cu Tũn” mà kêu. Hôm Tùng cưới vợ, MC la lớn: “Xin mọi người hướng về “lễ đài” để chứng kiến đôi uyên ương: anh Tũn sánh duyên cùng chị Diễm My”. Tiếng cười dậy rạp. Một thầy giáo trước khi hát góp vui, nói: “Tũn hay Tùng thì cũng là anh chàng hiền lành, học hành ất giáp. Có gì mà cười hở bà con?”. Nhiều người khen ông giáo nói phải, càng khen Tùng vì anh không hề hắt hủi cái tên “Tũn” mà cha mẹ đặt cho từ nhỏ.
Tên con gợi nỗi niềm xưa
Vợ chồng Khải – Thanh bàn nhau đặt tên cho con gái út. Chị muốn tên con là “Quỳnh Oanh” vì chị thích hoa quỳnh và chim oanh. Khải không chịu, nói tên khó kêu quá. Kêu tên này mà không… khởi động chắc méo miệng như chơi. Và anh quyết tên con là Trà, lấy tên vợ làm chữ đệm: Thanh Trà. “Nghe mặn mà, lại dễ kêu”, Khải nói. Thanh đồng ý.
Một lần Khải rủ bạn nhậu tại nhà, thằng Sĩ “trác” (nổi tiếng chơi trác), xuống bếp vẽ chuyện để kích động Thanh. Nó nói Trà là tên người yêu cũ của thằng Khải. Tên Thanh dính vào chỉ để “qua mặt” em thôi. Mỗi lần quán xá với tụi anh, đứa nào nhắc tên “Trà” là mặt nó đờ ra, cặp mắt xôn xao thương nhớ lắm. Cạn một ly, Sĩ “trác” nói Khải ơi, mày đừng lấy vải thưa che mắt thánh. Cạn ly nữa, Sĩ “trác” lại nói Khải ơi, mày đừng che mắt thánh bằng tấm vải thưa. Cứ thế…
Tan cuộc rượu, Thanh dọn dẹp hơi nặng tay, để chén bát khua rổn rảng, miệng lầm bầm: “Trà với chả triếc, hèn chi…”. Sau đó vợ chồng to tiếng.
Sĩ “trác” – kẻ gây rối – bị “triệu tập” khẩn đến nhà Khải lúc nửa đêm để… giải oan. “Thú tội” xong, nó nhe răng cười khì khì, nói vợ chồng mày đặt biệt danh cho tao là Sĩ “trác” mà còn để bị trác là sao?
Leave a Reply