Chuyện đặt tên khiến cả nhà rối loạn
Đặt tên trùng với người đời trước hoặc người có vai vế trong họ hàng là bất kính. Trong khi ở một số nước phương Tây, lấy tên người đời trước đặt cho con mình là biểu hiện sự yêu mến, kính trọng.
Đặt tên cho con, một việc tưởng dễ dàng nhưng có không ít chuyện vui buồn…
Người xưa bảo rằng không ai có thể chọn nơi mình sinh ra cũng như không thể chọn cha mẹ. Và con người còn nhiều thứ không thể chọn khác nữa như tên ghi trong giấy khai sinh. Đặt tên cho con, một việc tưởng dễ dàng nhưng có không ít chuyện vui buồn…
Nhà thơ Trần Huyền Ân viết rằng: “Đời cha lấy tên các con làm niềm vui”. Ông nhà thơ đã thực hiện việc đặt tên cho các con một cách rất kỳ công. Những cái tên không còn đơn thuần là danh xưng mà gởi gắm nhiều niềm vui, hy vọng. Có điều, ông nhà thơ nhiều chữ nghĩa lại khiến người khác phải méo cả mồm khi muốn gọi tên con ông và cần ông giải thích mới hiểu.
Chẳng hạn như: Trần Nguyện Hoằng Nhuyên (đá chứa ngọc); Trần Hoạch Chuyết Nhuynh (ngọc trong đá); Trần Triêu Ngõa Huyến (nắng sáng rực rỡ trên mái ngói); Trần Xuyên Vũ Huyến (mưa rực rỡ trên sông)…
Đó là cách đặt tên con thể hiện sự vui mừng của một nhà thơ, với nhiều người đặt tên cho con cũng mang một niềm vui tương tự. Những niềm vui của các bậc cha mẹ… gởi vào tên con cái, mỗi người mỗi vẻ. Ở ta, có nhiều người mang tên Đình Chiến, Hòa Bình hay Thống Nhất, Chiến Thắng… khi hỏi tuổi mới hay đa số họ sinh ra vào những cột mốc thời gian quan trọng của dân tộc như năm 1954 hoặc 1975.
Các bậc cha mẹ đã lấy niềm vui chung của đất nước đặt tên cho con. Tên của mỗi con người ghi dấu đậm nét nhiều khát vọng, kỷ niệm… của bậc sinh thành. Những cái tên như Hùng, Dũng, Cường, Tài, Lộc (nam); Hoa, Mai, Tiên, Hồng, Cúc (nữ) luôn mang những ý nghĩa tuyệt vời biểu đạt hạnh phúc.
Cũng như niềm vui, nỗi buồn của mỗi bậc cha mẹ trùng vào thời điểm đứa con ra đời là có thật. Một chị bạn của tôi khi sinh cháu gái đầu lòng vào lúc bị tình phụ khiến chị căm hận kẻ bạc tình đến độ không ngần ngại đặt tên cho con là Thù Hận. Không biết thời gian có làm nỗi hận tình trong chị nguôi ngoai mà đặt lại tên cho con? Nếu mai này cháu lớn khôn vẫn mang cái tên đau lòng đó đối mặt với cuộc đời sẽ ra sao?
Không đến nỗi hận nhưng vì bực tức nhất thời ông Mai Văn Cán ở xã Đại Cường – Đại Lộc – Quảng Nam đã khai sinh tên con mình là Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi. Chuyện là ông Cán sinh đứa con thứ 5 vào năm 1987 khi pháp lệnh về dân số đã ban hành luật kế hoạch hóa gia đình.
Chính quyền xã phạt ông 6.500 đồng, ông Cán năn nỉ xin tha nhưng không được, tức giận quá ông đặt tên con mình thành Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi. Vào ngày 1 – 9 – 2005, Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi đã được gia đình ông Cán xin UBND tỉnh Quảng Nam đổi tên thành Mai Hoàng Long nhằm cho việc đi học được thuận lợi.
Khi các phương pháp ngừa thai chưa phổ biến và Nhà nước chưa khuyến khích “mỗi gia đình chỉ nên có 1 hoặc 2 con”, nhiều bậc cha mẹ đã nhìn thấy việc đẻ nhiều sẽ khổ nên đứa trẻ thứ 4, 5 vừa chào đời họ đã khai sinh ngay tên Út. Ấy vậy nhưng sau Út, vợ lại mang bầu sinh thêm đứa nữa thành Út Kề, rồi lại nữa thành Út Mót… Đến Út Mót nhưng vẫn chưa dừng, bậc làm cha mẹ rầu quá đặt đứa tiếp theo tên Thôi. Nhưng vẫn chưa biết Thôi rồi có dừng không?
Ở một xã hội có truyền thống Á Đông lâu đời như nước ta, tư tưởng trọng nam vẫn còn dù là ở thế kỷ 21. Một ông nhà văn nọ sau khi sinh được hai “công chúa” rất kỳ vọng đứa thứ ba sẽ là đấng mày râu. Thế nhưng khi em bé ra đời lại vẫn “vịt trời” nên ông thất vọng thốt lên “vẫn y nguyên”, sau ông đặt tên cho con là Nguyễn Y Vân!
Vẫn ý nghĩa nhưng dễ xưng danh
Nhiều vợ chồng đã cãi nhau vì chuyện đặt tên con, do mỗi người mỗi ý thích. Rắc rối hơn khi đặt tên con không được phạm húy, nghĩa là không được trùng tên với họ hàng gần xa hay người đã khuất. Với những đôi lứa trẻ, làm sao có thể biết hết tên họ hàng để tránh, nhất là trong xưng hô thân tộc người ta chỉ gọi nhau bằng thứ như anh Hai, chú Ba, bác Bảy, thím Tám, cậu Mười… Vì điều này, có cặp vợ chồng sau khi nghĩ ra tên con thật vừa lòng nhưng khi trình họ hàng “duyệt” đã thất vọng vì cái tên ấy trùng với tên cụ tổ.
Đặt tên trùng với người đời trước hoặc người có vai vế trong họ hàng là bất kính. Trong khi ở một số nước phương Tây, lấy tên người đời trước đặt cho con mình là biểu hiện sự yêu mến, kính trọng.
Ngoại trừ những rắc rối vì sở thích của cha, mẹ, những húy kỵ từ họ hàng… nhiều bậc phụ huynh đặt tên con quá dễ dãi hoặc quá cầu kỳ. Dễ dãi kiểu như lấy thứ tự sinh ra các con rồi đặt tên như Hai, Ba, Bốn (Tư), Năm… hay lấy luôn 12 con giáp mà đặt tên cho từng đứa con cầm tinh Tý, Sửu, Dần, Mẹo (Mão), Thìn… Cách đặt tên dễ dãi (hay tên “xấu” cũng do quan niệm như vậy sẽ dễ nuôi) thường gặp ở thế hệ trước.
Thế hệ gia đình trẻ bây giờ lại đặt tên cho con nhiều lúc lại quá cầu kỳ, rối rắm. Những đứa trẻ mang những cái tên dài lòng thòng, chữ nghĩa thì kêu choang choang… thật khó nhớ và khó hiểu. Thậm chí có người còn lôi cả tiếng Tây vào tên con mình nữa, nghe cứ như người ngoại lai. Thành ra những cái tên rối rắm, tưởng là hay, đẹp mà lại không đẹp chút nào. Nên chăng các bậc phụ huynh đặt tên con mình sao cho ý nghĩa nhưng vẫn dễ gọi, dễ xưng danh và phù hợp với văn hóa người Việt.
Leave a Reply