Những cái biệt danh ở nhà ngộ nghĩnh
Ông bà ngoại nhà Dung (Hà Đông) thấy cháu gái bé như cái kẹo nên gọi tên luôn là Kẹo. Đến bé gái thứ hai, trắng như cục bông nên kêu tên cháu là Bông.
Khá nhiều cha mẹ thích gọi con bằng nick hơn là tên thật. Bởi vì, mỗi cái nick đều chứa đựng tình yêu thương và kỳ vọng vào các bé của bố mẹ và cả gia đình.
Vì con trai đầu lòng có tên thân mật là “Tôm” nên khi sinh bé thứ hai, cả nhà Nhung gọi luôn cu em là “Tép”. Mỗi lần muốn gọi hai con ăn cơm, Nhung chỉ cần cao giọng: “Tôm, Tép ơi” là các bé hớn hở chạy vào…
Cũng do gọi bé anh là Bi nên từ ngày có bầu lần sau, anh xã Yến (Bình Dương) đã gọi bé em là Bin. “Ước mong sau này con sẽ giỏi như Bill Gate hay Bill Clinton” – Yến bật mí.
Nhiều cặp vợ chồng nhìn vào đặc điểm bề ngoài của con để đặt nick; chẳng hạn, anh Quang (Tây Hồ, Hà Nội) thấy con gái chào đời mà tóc tai cứ dựng đứng như lông nhím nên gọi bé là Nhím. Còn chồng Trà (Ba Đình, Hà Nội) vì con quấy khóc là cong người như con tôm, nên đặt cho con nick là Tôm.
Tuy nhiên, mẹ chồng Trà ở dưới quê lên chăm cháu phản đối. Bà bảo: “Đặt là Tôm, nó sẽ bật như tôm, khó ngủ. Lớn lên, thì lại cãi bố mẹ ‘tanh tách’ như tôm”. Sau đó, bà bắt hai vợ chồng gọi con là Chuột (vì bé sinh năm chuột) và lý luận rằng: “Chuột lanh lợi nên không bao giờ lo đói ăn”.
Nhiều cặp vợ chồng nhìn vào đặc điểm bề ngoài của con để đặt nick.
Cũng bị bà nội bắt đổi nick cho con là Chuyên (Hải Dương). Chuyên gọi con là Mít nhưng bà nội mắng, bảo: “Gọi thế để cháu tôi dốt à? Người ta chẳng bảo dốt như ‘mít đặc’ là gì?”. Sau đó, cô nhanh chóng chuyển sang gọi con là Nấm nhưng bà nội vẫn không bằng lòng vì: “Nấm để nó lùn như nấm sao?”. Cuối cùng, Chuyên gọi con là Tít (vì bé hay cười tít mắt) và cũng may vì mẹ chồng không ý kiến nữa.
Ông bà ngoại nhà Dung (Hà Đông) thấy cháu gái bé như cái kẹo nên gọi tên luôn là Kẹo. Đến bé gái thứ hai, trắng như cục bông nên kêu tên cháu là Bông. Bà nội thì cứ đùa gọi cháu là Mút cho vần với cô chị: “Kẹo – Mút”. Sau đó, hai bà thông gia “gật gù” thống nhất: “Cháu gái ai lại gọi là Mút. Thôi, Keo – Bông cũng hay”.
Một số trường hợp, cái tên ở nhà của con là do “di truyền” từ bố mẹ. Ví dụ như anh Hải (Thái Nguyên), hồi nhỏ bị gọi là Trố (do mắt trố). Vì thế, khi sinh con trai đầu lòng, thấy bé thừa hưởng đôi mắt trố của bố nên ông bà nội gọi luôn là Trố. Hoặc như Duyên (Gia Lâm, Hà Nội) có đôi mắt tròn xoe nên tên thân mật thủa bé là Bi. Cô sinh con gái cũng có đôi mắt tròn to giống mẹ nên cả nhà gọi bé là Bi luôn. Hay như Thanh (Hải Phòng) do đen bẩm sinh nên từ nhỏ được gọi là Trắm. Sinh con ra cũng có làn da nâu như mẹ nên gọi con là Trắm.
Nhiều gia đình gọi thân mật bé với cái tên phân biệt giới tính, có từ đời các cụ. Ví dụ, cứ sinh con gái thì gọi là Bé hay Gái; con trai thì là Tý, Cò… Có cặp vợ chồng dùng loại quả như Na, Mít, Bầu, Bí, Su Su, Cải Bắp…; con vật như Gấu, Thỏ, Cua, Cá, Bống, Sâu, Chích Bông …; món ăn như Bơ, Phômai, Sữa… để gọi con. Đơn giản nhất là lấy năm sinh của con để gọi như Mèo, Chuột, Cún… Hoặc dùng tên nhân vật hoạt hình như Bu (gấu Pooh), Tôm (mèo Tom), chuột Jerry. Cũng có hơi hướng nước ngoài là các tên dành cho bé như Jin, Jun, Kun, Bun hay Ken. Thậm chí, không ít cha mẹ “nghiện” quảng cáo còn gọi con là Chinsu hay Zinzin. Nghe vui tai mà lại giống như tên của các diễn viên Hàn Quốc.
Cách gọi tên con theo số thứ tự (cu Năm, cái Ba – do là người con thứ năm, thứ ba trong nhà) không còn phù hợp. Vì ngày nay, phần lớn gia đình chỉ có hai con nên khó gọi các bé theo con số.
Nhiều người cầu kỳ hơn còn đặt cho con cái nick đa nghĩa. Như anh Đức (Huế) nhất định phải gọi con trai là Gôn. Ngoài lý do bản thân anh thích chơi golf thì theo anh Đức, golf là môn thể thao “quý tộc” và còn là từ gọi chệch của gold (vàng, tiếng Anh) nên chắc chắn, sau này, con mình sẽ trở nên giàu có. Hay như Lan (Đống Đa, Hà Nội) thích gọi con gái là Ruby (hồng ngọc, tiếng Anh) vì cũng mong con dư dả về sau.
Chuyện đặt nick cho con, tưởng là vui nhưng nhiều khi cũng khiến bố mẹ băn khoăn. Hương (Thanh Hóa) gọi con là Cua. Đến giờ, nhiều lúc, thấy con cãi mẹ ngang như cua thì Hương ao ước: “Biết thế, gọi con là Đất, để con hiền như cục đất”. Trong khi đó, Lan Anh (quận 2, TP HCM) gọi con gái là Mắm. Giờ, con được 3 tuổi mà vẫn suy dinh dưỡng, cô lại muốn đổi tên con thành Heo hay Mập, những mong bé tăng cân.
Có khi, nick của con còn gây lục đục “nội bộ”. Anh Tuân (Nam Định) là một ví dụ. Anh thích gọi tên con gái là Bưởi vì nghe nó nữ tính, dễ thương; lại là tên của nữ anh hùng nổi tiếng (Mạc Thị Bưởi). Nhưng vợ anh một mực phản đối, còn dọa chia tay nếu anh còn gọi con là Bưởi. Đơn giản vì Bưởi là tên người yêu cũ của anh Tuân.
Khá nhiều cha mẹ thích gọi con bằng nick hơn là tên thật. Bởi vì, mỗi cái nick đều chứa đựng tình yêu thương và kỳ vọng vào các bé của bố mẹ và cả gia đình.
Leave a Reply